Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng

Vi chất Dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể. Vi chất dinh dưỡng bao gồm: Nhóm các vitamin (A, B, C, D…) và nhóm các chất khoáng (canxi, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…).

Đối tượng có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng: phụ nữ có thai, PN tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân thiếu Vi chất dinh dưỡng là do: Khẩu phần ăn thiếu vi chất và do bệnh lý gây mất hoặc giảm hấp thu.

Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ tạo gánh nặng cho quốc gia về sức khỏe và kinh tế: trên thế giới có khoảng 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng; 190 triệu Trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A; 1,1 triệu Người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm; 136.000 Phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu thiếu sắt; 300,000 Dị tật bẩm sinh toàn cầu do bà mẹ thiếu folate; 45% Trẻ em tử vong do thiếu dinh dưỡng

Một số Bệnh do Thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu i-ốt gây bệnh bướu cổ, thiếu kẽm gây bệnh suy dinh dưỡng, thấp còi, thiếu canxi và vitamin D gây bệnh còi xương, thiếu sắt gây bệnh thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin PP gây bệnh Pellagra, thiếu vitamin C gây bệnh Scorbut, thiếu vitamin K gây bệnh xuất huyết não, màng não, thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu, thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, thiếu vitamin B1 gây bệnh Beri-Beri, thiếu fluor gây bệnh mắc các bệnh răng miệng.

1.- Phòng chống thiếu vitamin A ở cộng đồng

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, không tan trong nước; Cấu trúc hóa học: vitamin A (Retinol) và tiền vitamin A (Carotenoid); Là loại vi chất cơ thể không tự tổng hợp được

Nguồn thức ăn cung cấp

Động vật: gan, thịt bò nạc, cá hồi, lòng đỏ trứng, cá, tôm, dầu cá

Thực vật: rau quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, bí đỏ, cà chua..) khoai lang,

Thiếu Vitamin A làm trẻ em chậm lớn, nhất là ở trẻ nhỏ. Làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật; Nhiễm trùng và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫ̃n tới nguy cơ tử vong cao. Gây nên các tổn thương ở mắt (bệnh “Khô mắt”), mù vĩnh viễn.

Những ai có nguy cơ thiếu vitamin A? Trẻ sinh non tháng, sinh nhẹ cân, sinh đa thai…; Trẻ không được bú mẹ; Trẻ sơ sinh đang bú mẹ và chế độ ăn uống của mẹ thiếu vitamin A; Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, Nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng; Bệnh lý rối loạn hấp thu chất béo: bệnh lý gan mật, tắc nghẽn đường mật…

Những triệu chứng toàn thân khi thiếu vitamin A: Trẻ mệt mỏi, kém ăn; Khô mắt; Da khô, tóc khô dễ gãy; Chậm lớn; Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bị rối loạn tiêu hoá; Vết thương lâu lành.

Giải pháp phòng chống thiếu vitamin A:

a) Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A. Đối với bà mẹ: Khi có thai và cho con bú cần ăn thức ăn giàu vitamin A. Đối với trẻ: Cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng, aăn bổ sung từ 7 tháng trở lên, ăn đa dạng nguồn thực phẩm.

b) Triển khai uống bổ sung vitamin A dự phòng:

Trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A, trẻ cần được uống bổ sung viên nang vitamin A mỗi 6 tháng 1 lần: trẻ 12 tháng đến 35 tháng 29 ngày tuổi mỗi lần uống 200.000 IU; trẻ từ 6-11 tháng tuổi uống 100.000 IU).

Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, SDD nặng ở cộng đồng và trong bệnh viện, trẻ <6 tháng tuổi không được bú mẹ.

Các bà mẹ trong vòng tháng đầu sau sinh có thể uống một liều Vitamin A (200.000 đơn vị) theo hướng dẫn của Bộ y tế.

2.- Phòng chống thiếu sắt và thiếu máu ở cộng đồng

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn mức bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, bất kể vì lý do gì.

Thường gặp nhiều là thiếu máu do thiếu sắt, có thể kết hợp với thiếu folate nhất là trong thời kỳ có thai.

Thiếu máu thiếu sắt: hồng cầu giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt.

Những ai có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt?

Phụ nữ: có thai, cho con bú, độ tuổi sinh đẻ

Trẻ em: nhẹ cân, suy dinh dưỡng, không bú mẹ, trẻ dưới 5 tuổi và trẻ vị thành niên (trẻ gái)

Hấp thu kém: suy dinh dưỡng, người già, bệnh đường tiêu hóa

Kinh tế khó khăn: Vùng nghèo, vùng công nghiệp, Không triển khai PC Thiếu máu

Nguyên nhân và các yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu máu, thiếu sắt: Nhu cầu sắt cao trong thời kỳ tăng trưởng nhanh; Khẩu phần ăn nghèo chất sắt; Giá trị sinh học của sắt trong chế độ ăn uống thấp: thức ăn nguồn thực vật cung cấp sắt hoặc sắt “non-heme” (2–5% sắt được hấp thu); Khẩu phần ăn có nhiều chất ức chế hấp thu: polyphenol và phytates; Hạn chế tiếp cận thực phẩm giàu chất sắt; Sở thích của gia đình hoặc cộ̣ng đồng dẫn đến chất lượng chế độ ăn uống kém; Mắc các bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng như các bệnh nhiễm trùng cấp, mạn tính; Các bệnh ký sinh trùng: giun móc, giun đũa, giun tóc, sán đều có thể dȁn tới thiếu máu.

Những dấu hiệu lâm sàng phát hiện thiếu máu

Trẻ em: Da xanh, niêm mạc nhợt; Trẻ kém hoạt bát, thường học kém, hay buồn ngủ; Khi bị thiếu máu nặng, trẻ có khó thở, hay bị nhiễm khuẩn hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Người trưởng thành: Da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi), Móng tay khum hình thìa, lòng bàn tay nhợt nhạt, Đầu lưỡi có một đám những hạt sắc tố đỏ sẫm, mệt mỏi, Thiếu máu nặng: chóng mặt, tim đập mạnh, khó thở khi lao động gắng sức…

Một số giải pháp phòng chống thiếu sắt và thiếu máu thiếu sắt

Khuyến khích duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu sắt, vitamin C,…

Bổ sung sắt vào thực phẩm như nước mắm, xì dầu, bánh quy, ngũ cốc, bột dinh dưỡng,…

Thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng.

Dự phòng và điều trị bệnh liên quan tới thiếu sắt

Dự phòng và điều trị thiếu máu theo phác đồ.

Giáo dục dinh dưỡng

Triển khai các hoạt động phòng chống thiếu sắt tại cơ sở

Tẩy giun định kỳ đặc biệt là cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi

Các loại thực phẩm giúp tăng cường hấp thu sắt

Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt trong thực vật tốt hơn. Hạt nảy mầm, lên men (giá đỗ…). Hạn chế sử dụng thực phẩm ức chế hấp thu sắt sau bữa ăn./.

Nguồn: CN. Phạm Trầm An Khương – TT.KSBT An Giang | 14:23 12/06/2023